Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Chỉ thị giảm thiểu tai nạn giao thông 6 tháng cuối năm

ỦY BAN NHÂN DÂN                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
          TỈNH A                                                      Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 Số:        /CT-UBND                                         Tỉnh A, ngày      tháng 5  năm 2011

CHỈ THỊ
Về việc giảm thiểu tai nạn giao thông 6 tháng cuối năm
trên địa bàn tỉnh A

Từ đầu năm 2011 đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng xấu đi, tai nạn giao thông diễn ra rất phức tạp; so với cùng kỳ năm trước tăng 02 vụ, tăng 73 người bị thương; đặc biệt tai nạn giao thông xảy ra nghiêm trọng trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Để kịp thời khắc phục tình hình, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Ban An toàn giao thông tỉnh:
- Xây dựng nội dung và kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục về pháp luật giao thông phù hợp với từng đối tượng tham gia giao thông.
2. Sở Giao thông vận tải:
- Tổ chức phân luồng, điều chỉnh giao thông trên địa bàn (đặc biệt vào giờ cao điểm).
- Tổng kiểm tra các biển báo giao thông hiện có trên địa bàn, lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo cho hoàn thiện trong năm 2011.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Tuyên truyền trong học sinh, sinh viên ý thức chấp hành pháp luật giao thông khi tham gia giao thông.
- Vận động học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
4. Công an tỉnh:
- Tăng cường hoạt động tuần tra xử lý, nhất là trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, các khu vực thường xảy ra ùn tắc giao thông.
- Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông.
5. Ủy ban nhân dân các huyện:
- Tổ chức tuyên truyền lập lại trật tự đô thị, trật tự lòng lề đường trên địa bàn.
- Vận động phụ huynh và tất cả học sinh (kể cả học sinh mẫu giáo, tiểu học) thực hiện đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông.
Đề nghị Thủ trưởng các sở ngành, đơn vị, đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện căn cứ nội dung Chỉ thị này, lập kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện; bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất nhằm góp phần tích cực vào việc kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh./.
                                                         

Nơi nhận:                                                                                               CHỦ TỊCH
- Các sở ngành tỉnh;
- UBND các huyện;
- Lưu: VT.       

Chị thị phòng chống bệnh tay chân miệng 6 tháng cuối năm

ỦY BAN NHÂN DÂN                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
          TỈNH M                                                      Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 Số:        /CT-UBND                                         Tỉnh M, ngày      tháng 5  năm 2011

CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng
6 tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh M

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 02 trường hợp tử vong. Bệnh xuất hiện và tăng nhanh kể từ cuối tháng 4/2011 đến nay. Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, phát triển và dễ lây lan ra cộng đồng. Số trường hợp mắc bệnh đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là tại các nhà trẻ, mẫu giáo.
Trước tình hình trên, để tập trung mọi biện pháp phòng, chống có hiệu quả bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh M yêu cầu Thủ trưởng các Sở ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt những việc sau đây:
1. Sở Y tế:
- Chỉ đạo hệ thống y tế trong toàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương. Định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, các trường mẫu giáo trong tỉnh phối hợp với ngành y tế các cấp tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh, giáo viên, cô nuôi dạy trẻ các biện pháp phòng bệnh.
- Đối với các nhà trẻ, trường mẫu giáo khi có trường hợp mắc bệnh, phải báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế theo quy định.
3. Sở Tài chính: Xem xét, cân đối, bổ sung kinh phí kịp thời và đầy đủ cho Sở Y tế khi có yêu cầu để triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả (mua thuốc, hóa chất, vật tư phòng chống dịch bệnh, các hoạt động tuyên truyền…).
4. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Huy động hệ thống chính trị các cấp và các phương tiện thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là những phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng.
- Tổng hợp, báo cáo kịp thời, thường xuyên cho Chủ tịch UBND tỉnh về diễn biến tình hình bệnh tay chân miệng và công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
 Yêu cầu Thủ trưởng các Sở ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để theo dõi, chỉ đạo./.                                                           

Nơi nhận:                                                                                               CHỦ TỊCH
- Các sở ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Lưu: VT.       

Chỉ thị phòng chống lụt bão năm 2011

 
ỦY BAN NHÂN DÂN                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
          TỈNH Y                                                      Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số:        /CT-UBND                                        Tỉnh Y, ngày      tháng      năm 2011

CHỈ THỊ
Về triển khai các biện pháp phòng, chống lụt bão năm 2011
trên địa bàn tỉnh

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ về thời tiết vào mùa mưa năm nay sẽ có những diễn biến bất thường và phức tạp, có khả năng xuất hiện những cơn bão có cường độ mạnh và những cơn mưa lớn, triều cường dâng cao. Nhằm thu hẹp phạm vi, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các sự cố có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm 2011, Ủy ban nhân dân thành tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Chủ động triển khai và tập trung mọi nguồn lực, tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
b) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân và các cơ quan, đơn vị, tổ chức tại địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
2. Sở Giao thông vận tải: Chủ động, tăng cường kiểm tra thi công và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án thoát nước, chống ngập trên địa bàn tỉnh.
3. Công ty Công viên cây xanh tiến hành kiểm tra toàn bộ cây xanh trên địa bàn; tổ chức việc mé nhánh cây khô, đốn hạ các cây bị đổ ngã trên đường sau cơn mưa, không để xảy ra tình trạng cây xanh đổ ngã gây tai nạn cho người đi đường.
4. Công ty Điện lực: kiểm tra các hệ thống truyền tải, thiết bị điện, ... nhằm bảo đảm nguồn điện ổn định, liên tục và kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn điện trước và trong mùa mưa bão.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: có giải pháp chỉ đạo tập trung thi công, nâng cấp, nạo vét hệ thống kênh mương, cống rãnh theo phân cấp; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập úng xảy ra trên địa bàn.
Thủ trưởng các sở ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị này, đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; tập trung triển khai các phương án, biện pháp phòng, chống, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra./.

Nơi nhận:                                                                                               CHỦ TỊCH
- Các sở ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Công ty: Điện lực, Công viên cây xanh;
- Lưu: VT.       
                                                                                                   
                                                                                                             ……………. …

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Soạn thảo tờ trình

1. Yêu cầu khi soạn thảo tờ trình:

a) Phân tích các căn cứ thực tế làm nổi bật được các nhu cầu bức thiết của vấn đề cần trình.

b) Các chủ đề nêu trong tờ trình phải rõ ràng, cụ thể.

c) Các kiến nghị phải hợp lý.

2. Bố cục tờ trình:

Thiết kế bố cục tờ trình thành 3 phần:

Phần 1: Nêu lý do đưa ra nội dung trình.

Phần 2: Nội dung các vấn đề cần đề xuất (trong đó có nêu các phương án, phân tích và chứng minh các phương án là khả thi).

Phần 3: Kiến nghị cấp trên (hỗ trợ, bảo đảm các điều kiện vật chất, tinh thần). Yêu cầu phê chuẩn, ví dụ: xin lựa chọn một trong các phương án, xin cấp trên duyệt một vài phương án xếp thứ tự, khi hoàn cảnh thay đổi có thể chuyển phương án từ chính thức sang dự phòng.

3. Kỹ thuật viết tờ trình:

- Trong phần nêu lý do, căn cứ: cần dùng cách hành văn để thể hiện đươc nhu cầu khách quan, hoàn cảnh thực tế đòi hỏi.
Ví dụ: Căn cứ tình hình thực tế.....

           hoặc Thời gian qua ... (có những vấn đề nào phát sinh)

- Phần đề xuất: Cần dùng ngôn ngữ và cách hành văn có tính thuyết phục cao nhưng rất cụ thể, rõ ràng, tránh phân tích chung chung, khó hiểu. Các luận cứ phải lựa chọn điển hình từ các tài liệu có độ tin cậy cao, khi cần phải xác minh để bảo đảm sự kiện và số liệu trung thực.

Nêu rõ các ích lợi, các khó khăn trong các phương án, tránh nhận xét chủ quan thiên vị.
Ví dụ: Qua triển khai thực hiện....

           Từ những nội dung nêu trên.....

- Các kiến nghị: phải xác đáng, văn phong phải lịch sự, nhã nhặn, luận chứng phải chặt chẽ, nội dung đề xuất phải bảo đảm tính khả thi mới tạo ra niềm tin nội tâm cho cấp phê duyệt. Tờ trình có thể đính kèm các bản phụ lục để minh họa thêm cho các phương án được đề xuất kiến nghị trong tờ trình.

 Ví dụ: Tăng cường kinh phí để thực hiện nhiệm vụ được giao

Văn phong hành chính có những đặc điểm nào? cho một vài ví dụ minh họa để làm rõ


Văn phong hành chính có 5 đặc điểm sau đây:
1. Tính chính xác rõ ràng: tiêu chuẩn quan trọng nhất đầu tiên của văn phong. Tính chính xác được hiểu văn bản được viết sao cho mọi người đều hiểu như nhau, muốn vậy phải diễn đạt chính xác, rõ ràng, cần viết gọn ghẽ, mạch lạc,diễn tả ý tưởng dứt khoát, sử dụng từ ngữ một cách chính xác. 
Ví dụ: Trâu cày không được, giết. Diễn đạt ý tưởng dứt khoát đó là sẽ giết trâu, nếu trâu không cày được.
Ví dụ: Trâu cày, không được giết. Diễn đạt ý tưởng không được phép giết trâu cày.

2. Tính phổ thông, đại chúng: Văn bản quản lý nhà nước phải viết bằng những từ ngữ phổ thông, ngắn gọn, dễ hiểu. Ngưòi đọc hiểu một cách nhanh nhất - thực hiện một cách nhanh nhất, đòi hỏi người soạn thảo văn bản phải có một trình độ nhất định, kỹ năng cần thiết, kiến thức thiết thực. Loại bỏ những phần thừa không cần thiết. Một văn bản dể hiểu là một văn bản được người nhận hiểu nhanh nhất, dùng từ ngữ giản dị, càng rõ, chính xác, hạn chế sử dụng từ Hán-Việt, từ ngoại lai.

3. Tính khách quan, phi cá tính. Thực hiện ý chí nhà nước, ý chí tập thể, khách quan, không mang tính cá nhân.

4. Tính trang trọng, lịch sự. Thể hiện tính trang trọng uy nghiêm. Lời văn trang trọng thể hiện sự tôn trọng đối với các chủ thể thi hành, làm tăng uy tín của cá nhân, tập thể ban hành văn bản. Tính trang trọng lịch sự của văn bản phản ánh trình độ giao tiếp "văn minh hành chính" của một nền hành chính dân chủ, pháp quyền, hiện đại.

5. Tính khuôn mẫu: là đặc trưng cơ bản của văn bản nhà nước, đòi hỏi phải sắp xếp bố cục nội dung theo các khuôn mẫu. Tính khuôn mẫu của văn bản giúp người soạn thảo đỡ tốn công sức, đồng thời giúp cho người đọc dễ lĩnh hội .

Trình bày những chức năng cơ bản của văn bản quản lý nhà nước


Văn bản quản lý nhà nước có các chức năng cơ bản là chức năng thông tin, chức năng quản lý, chức năng pháp lý.

1. Chức năng thông tin.

Chức năng thông tin là thuộc tính cơ bản quan trọng, bản chất của văn bản, là nguyên nhân hình thành văn bản và là cơ sở để thực hiện các chức năng khác. Chức năng thông tin của văn bản thể hiện ở các mặt sau:

- Ghi lại các thông tin quản lý.

- Truyền đạt thông tin quản lý từ nơi này đến nơi khác trong hệ thống quản lý hay giữa hệ thống với bên ngoài.

- Giúp cho cơ quan thu nhận thông tin cần cho hoạt động quản lý.

- Giúp các cơ quan xử lý, đánh giá các thông tin thu được thông qua hệ thống truyền đạt thông tin khác.

Ví dụ: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ giúp cho các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và nhân dân biết, chủ động trong các hoạt động của mình.

2.  Chức năng quản lý.

Đây là chức năng có tính chất thuộc tính của văn bản quản lý. Chức năng quản lý của văn bản thể hiện ở những khía cạnh sau:

- Thông tin trong văn bản quản lý Nhà nước giúp cho việc tổ chức tốt công việc của các nhà lãnh đạo, làm cơ sở ban hành các quyết định quản lý.

- Văn bản ghi lại và truyền đạt các quyết định quản lý tới đối tượng thực hiện, tham gia vào tổ chức thực hiện quyết định.

- Là phương tiện hữu hiệu để phối hợp, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý.

Ví dụ: Căn cứ các thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế xã hộ của tỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức và địa phương trong tỉnh đã đưa ra các quyết định quản lý đúng đắn trong công tác chỉ đạo điều hành.

3. Chức năng pháp lý.

Chức năng pháp lý của văn bản biểu hiện trước hết là:

- Ghi lại các quy phạm pháp luật và các quan hệ pháp lý tồn tại trong xã hội do pháp luật điều chỉnh. Khi đã sử dụng hình thức văn bản để ghi lại và truyển tải quyết định và thông tin quản lý, cơ quan nhà nước đã sử dụng thẩm quyền trong đó. Mệnh lệnh chứa trong văn bản có giá trị pháp lý bắt buộc mọi người phải tuân theo. Bản thân văn bản là chỗ dựa pháp lý, khung pháp lý ràng buộc mọi mối quan hệ, dựa vào đó để tổ chức hoạt động của cơ quan, cá nhân, tổ chức.

-  Là cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Văn bản là cơ sở xây dựng hệ thống pháp luật, tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của các cơ quan tổ chức.

- Là cầu nối tạo ra các mối quan hệ giữa các tổ chức, cơ quan. Văn bản và các hệ thống văn bản quản lý giúp xác định các quan hệ pháp lý giữa các cơ quan quản lý và bị quản lý, tạo nên sự ràng buộc trách nhiệm giữa các cơ quan, cá nhân có quan hệ trao đổi văn bản, theo phạm vi hoạt động của mình và quyền hạn được giao.

Ví dụ: quan hệ giữa Bộ với các sở, ban, ngành...; giữa UBND tỉnh với UBND huyện, các sở, ban, ngành.

- Bản thân các văn bản trong nhiều trường hợp, là chứng cứ pháp lý để giải quyết các nhiệm vụ cụ thể trong quản lý và điều hành công việc của các cơ quan.

- Là trọng tài phân minh, phân xử khi thực hiện văn bản không thống nhất, cơ sở để giải quyết tranh chấp và bất đồng giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân, giải quyết các quan hệ pháp lý nảy sinh.

Tính pháp lý của văn bản được hiểu là sự phù hợp của văn bản (về nội dung và thể thức) với quy định pháp luật hiện hành.

Như  vậy, văn bản đảm bảo tính pháp lý khi được ban hành theo đúng quy định pháp luật về nội dung và thể thức.

Thể thức văn bản là hình thức pháp lý của văn bản, là toàn bộ những yếu tố về hình thức có tính bố cục đã được thể chế hoá để đảm bảo giá trị pháp lý cho văn bản. Như vậy thể thức là yếu tố thuộc về hình thức bên ngoài nhằm đảm bảo tính pháp lý cho văn bản.

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Phân tích đặc điểm của văn bản quản lý nhà nước


Văn bản là gì? Văn bản là phương tiện lưu giữ và truyền đạt thông tin bằng ngôn ngữ hay  ký hiệu nhất định.

Văn bản quản lý nhà nước là gì? Văn bản quản lý nhà nước là những quyết định và thông tin quản lý thành văn (được văn bản hoá) do các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức nhất định và được Nhà nước đảm bảo thi hành bằng những biện pháp khác nhau nhằm điều chỉnh các mối quan hệ quản lý nội bộ nhà nước hoặc giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức và công dân.

Phân tích đặc điểm của văn bản quản lý nhà nước.

Khi nói đến văn bản quản lý nhà nước là nói đến loại văn bản của tổ chức đặc biệt trong xã hội, đó là Nhà nước. Tính đặc biệt của văn bản quản lý nhà nước thể hiện ở những đặc điểm sau:

+ Về chủ thể ban hành: văn bản quản lý nhà nước do các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền soạn thảo và ban hành. Chỉ có những văn bản do người đúng thẩm quyền ban hành mới có ý nghĩa pháp lý.

Không phải chủ thể nào cũng được ban hành mọi loại văn bản quản lý mà chỉ được ban hành những loại văn bản nhất định trong phạm vi thẩm quyền để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Ví dụ: các cơ quan thuộc Chính phủ không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ không có quyền ban hành Thông tư mà chỉ có Bộ chủ quản mới có quyền đó.

+ Về mục đích ban hành: văn bản quản lý nhà nước được ban hành nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của Nhà nước.   

+ Đối tượng áp dụng: Văn bản quản lý Nhà nước mang tính công quyền, được ban hành để tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, là cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động cụ  thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

+ Về trình tự ban hành, hình thức văn bản: Văn bản quản lý nhà nước đòi hỏi phải được xây dựng, ban hành theo thủ tục pháp luật quy định và được trình bày theo hình thức luật định. Mỗi loại văn bản thường được sử dụng trong những trường hợp nhất định và có cách thức trình bày riêng. Sử dụng đúng hình thức văn bản sẽ góp phần tạo ra sự thống nhất cả về nội dung và hình thức của hệ thống văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, sử dụng thực hiện văn bản.

+ Về bảo đảm thi hành.

Văn bản nhà nước mang tính quyền lực Nhà nước, bắt buộc các chủ thể khác phải thực hiện và được đảm bảo thực hiện bởi Nhà nước như hoạt động tổ chức trực tiếp hoặc cưỡng chế.
         + Về văn phong.

Văn bản quản lý nhà nước nhằm mục đích truyền đạt thông tin, mệnh lệnh từ chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý một cách đầy đủ, chính xác nhất. Nó không cần biểu cảm nên mang đặc trưng văn phong riêng, khác với văn phong nghệ thuật. Văn bản quản lý nhà nước thường mang tính phổ quát, đại chúng và không cần quá chi tiết như văn bản khoa học.

Câu hỏi ôn thi

Xem kỹ các nội dung đã học trên lớp. Chú ý các nội dung:

- Văn bản là gì? Văn bản quản lý nhà nước là gì?
- Trình bày những chức năng cơ bản của văn bản quản lý nhà nước?
- Phân tích những đặc điểm của văn bản quản lý nhà nước?
- Trình bày những đặc điểm của văn phong hành chính?
- Trình bày các thành phần của thể thức văn bản?
- Soạn thảo một chỉ thị hoặc một tờ trình.
- Xem thêm các nội dung khác được trình bày trong blog này.
- Nhớ học bài kỹ trước khi thi hết môn.
- Chúc các em thành công.

Bài đăng phổ biến